Xây dựng thói quen ăn trái cây cho bé từ khi còn nhỏ là một phần quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe và phát triển của trẻ. Trái cây chứa nhiều dưỡng chất quan trọng giúp cung cấp năng lượng và tăng cường sự phát triển toàn diện của bé. Tuy nhiên, không phải lúc nào và bé nào cũng yêu thích việc ăn trái cây. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn 5 cách tạo thói quen ăn trái cây cho bé một cách dễ dàng và hiệu quả.
Tại sao ăn trái cây lại quan trọng với bé?
Vì sao nên cho trẻ tập ăn trái cây?
Việc bổ sung trái cây vào chế độ ăn hàng ngày của trẻ rất cần thiết. Trái cây chính là một nguồn cung cấp vitamin C và caroten (tiền thân của vitamin A) đầy đủ cho cơ thể. Hơn nữa, chúng cũng chứa các khoáng chất quan trọng như kali, canxi, magie, và nhiều loại dưỡng chất khác.
Các loại trái cây dành cho bé có màu vàng, đỏ, cam như gấc, đu đủ, xoài, hồng,… đều là những quả chứa nhiều beta-carotene giúp tăng cường sự phát triển, hỗ trợ sức khỏe của mắt và đề phòng tình trạng khô mắt. Ngoài ra, trái cây chín cũng giúp củng cố hệ thống miễn dịch và ngăn ngừa các bệnh như tiêu chảy và nhiễm trùng đường hô hấp.
Trong trái cây chín còn chứa chất pectin, giúp hấp thụ độc tố trong cơ thể và loại bỏ chúng. Điều quan trọng khác là trái cây có khả năng kích thích sự thèm ăn và tăng cường chức năng của hệ tiêu hóa. Chúng có nhiều chất xơ, khuyến khích sự hoạt động của ruột và giúp ngăn chặn tình trạng táo bón. Trong trái cây cũng chứa các hợp chất polyphenol chống oxi hóa, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và ung thư.
Thời điểm phù hợp cho trẻ ăn trái cây
Khi nào thì trẻ có thể tiêu hóa được trái cây?
Trong 6 tháng đầu đời, hệ tiêu hóa của bé còn đang phát triển và chưa hoàn thiện, nên không thể hấp thụ bất kỳ loại thực phẩm nào ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức cho bé. Vì vậy, cha mẹ chỉ nên bắt đầu đưa trái cây vào chế độ ăn của bé khi con đã đủ 6 tháng tuổi trở lên.
Cha mẹ nên cho bé thưởng thức trái cây sau bữa ăn chính, khoảng 30 – 45 phút sau hoặc tạo một bữa ăn riêng biệt cách xa bữa ăn chính ít nhất 2 tiếng. Thực hiện như vậy sẽ giúp bé tránh tình trạng khó tiêu, đầy hơi và táo bón.
Có một số loại trái cây chứa nhiều fructose nên cha mẹ không nên cho bé ăn những loại quả này gần giờ đi ngủ, bởi sẽ làm tăng hàm lượng đường trong máu và có thể gây rối loạn giấc ngủ của bé.
Không nên đưa trái cây vào bữa ăn chính của bé, cũng không nên kết hợp trái cây với bất kỳ loại thực phẩm nào và tránh pha sữa với sinh tố trái cây cho bé uống. Những việc này có thể làm chậm quá trình tiêu hóa và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
5 tips tạo thói quen ăn trái cây cho trẻ
Việc tạo thói quen ăn trái cây cho trẻ có thể là thách thức với nhiều gia đình. Thấu hiểu được điều này, hãy cùng tham khảo 5 tips giúp bé “măm” trái cây một cách ngon miệng nhất.
Tạo cho gia đình thói quen ăn hoa quả thường xuyên
Ăn trái cây cùng gia đình sẽ kích thích vị giác của trẻ
Mẹ có thể tạo thói quen cho gia đình bằng cách thường xuyên có những thời gian ăn hoa quả một cách vui vẻ. Khi thường xuyên thấy các thành viên trong gia đình ăn thưởng thức hoa quả, bé sẽ tò mò và muốn thử. Thói quen gia đình này giúp bé tiếp xúc với hoa quả một cách tự nhiên và hiệu quả.
Ngược lại, nếu trong gia đình ít có thói quen ăn hoa quả, đặc biệt là ăn trước mặt bé, khi mẹ muốn bé thử ăn trái cây, bé có thể ngại và sợ thử. Vì vậy, luôn đồng hành cùng con trong việc thực hiện thói quen ăn hoa quả là điều kiện rất quan trọng.
Tạo hình dáng ngộ nghĩnh từ hoa quả để thu hút bé
Giúp bé yêu thích hoa quả hơn nhờ các cách tạo hình bắt mắt
Để giúp bé có niềm yêu thích với trái cây, mẹ có thể cùng bé sắp xếp hoa quả để tạo ra các đồ vật, con thú ngộ nghĩnh. Có rất nhiều mẫu về con vật làm bằng trái cây như con chó, con nhím, con cá…Sau khi làm xong mẫu hình bằng trái cây, mẹ và bé có thể cùng nhau thưởng thức thành quả của mình.
Đa dạng hóa các loại hoa quả
Ngay từ khi bé bắt đầu tập ăn dặm, hãy cho bé thử nhiều loại quả khác nhau với mùi vị và cấu trúc khác nhau. Bắt đầu bằng các loại quả có vị ngọt và mềm như chuối, xoài, đu đủ, dưa hấu… sau đó, khi bé đã làm quen với các loại quả mềm và có thể nhai nuốt tốt hơn, lúc này bạn có thể cho bé thử thêm nhiều loại quả khác.
Biến tấu hoa quả thành các món ăn và thức uống hấp dẫn
Giúp bé làm quen với hương vị của quả nhờ việc xay sinh tố
Mẹ có thể biến tấu hoa quả để tạo ra các món ăn và thức uống hấp dẫn cho bé. Ví dụ, bạn có thể làm sữa chua trộn hoa quả, sinh tố hoặc nước ép trái cây. Khi biến tấu hoa quả thành các món ăn và thức uống thú vị, bé sẽ cảm thấy hứng thú hơn và dễ dàng chấp nhận việc ăn hoa quả.
Cho bé làm quen với thiên nhiên và cây cối
Khi có cơ hội, hãy tổ chức các hoạt động cho bé để tiếp xúc với thiên nhiên và cây cối, như việc thăm vườn trái cây như vườn nhãn, vườn dâu tây hoặc thậm chí là đi thăm các vườn quê.
Những trải nghiệm như vậy giúp bé hiểu về cấu tạo của các loại cây cối, quy trình đơm hoa và kết trái, và có cơ hội tham gia thu hoạch trái cây. Bé sẽ rất phấn khích khi được thử những trái cây mà chính tay mình thu hoạch.
Những điều cần lưu ý khi tập cho trẻ ăn trái cây
Mẹ cần lưu ý gì khi tập cho bé ăn hoa quả?
Các bậc phụ huynh cần tuân theo một số lưu ý sau khi cho trẻ ăn dặm hoa quả:
- Chọn hoa quả đúng mùa: Hãy ưu tiên cho bé ăn các loại hoa quả trong mùa vụ của chúng. Hoa quả trái mùa thường chứa nhiều chất bảo quản và hóa chất bảo quản, hoặc có thể có tồn dư thuốc trừ sâu nhiều hơn so với hoa quả đúng mùa.
- Tập ăn từng chút một: Khi bé mới bắt đầu ăn dặm, hãy cho bé ăn từng chút một và nghiền nát hoa quả để bé dễ dàng nuốt.
- Lượng hoa quả theo độ tuổi của bé:
- Trẻ 6 – 12 tháng tuổi nên ăn khoảng 60 – 100g hoa quả mỗi ngày.
- Trẻ 1 – 2 tuổi nên ăn khoảng 100g hoa quả mỗi ngày.
- Trẻ 3 – 5 tuổi có thể ăn khoảng 150 – 200g hoa quả/ngày.
- Tránh cho bé ăn quả cứng hoặc quả tròn nhỏ: Quả cứng hoặc quả tròn nhỏ có thể gây nguy cơ nghẹn hoặc sặc, vì vậy hãy chọn các loại quả phù hợp với độ tuổi và khả năng ăn của bé.
Tạo thói quen ăn trái cây cho bé từ khi còn nhỏ là một quá trình cần kiên nhẫn và tình yêu thương từ phía cha mẹ. Trái cây không chỉ là một phần quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh, mà còn là cơ hội để kết nối với con trẻ và tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ trong gia đình. Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp bé có một trải nghiệm ăn trái cây an toàn và ngon miệng, đảm bảo cho bé hấp thu đủ các loại vitamin, dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển và tăng trưởng khỏe mạnh.